Âm nhạc truyền thống trong đào tạo nghệ thuật: Giảng viên học hát dân ca
VHO- “Tập huấn hát dân ca và ứng dụng vào thực hành biểu diễn trong các trường đào tạo nghệ thuật là vấn đề rất cần thiết. Việc làm này không chỉ giúp các giảng viên hoàn thiện hơn trong nghiên cứu, ứng dụng âm nhạc dân gian, kết hợp sáng tạo giữa hát dân ca với các dòng nhạc mới để tạo nên sự pha trộn độc đáo mà vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có, mà còn giúp cho nghệ thuật Việt Nam ngày càng phát triển và đa dạng. Điều này cũng giúp cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc”…
Các nghệ sĩ, giáo viên Khoa Thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội học hát dân ca
TS.NSND Thanh Ngoan đã chia sẻ đầy tâm huyết như vậy sau khi kết thúc lớp tập huấn dân ca cho giảng viên Khoa Thanh nhạc, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Đưa thực tiễn vào giảng dạy
Nhấn mạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống dân tộc, bổ sung chất liệu dân gian trong đào tạo âm nhạc; trao đổi các phương pháp, kỹ thuật, kinh nghiệm vào giảng dạy, nâng cao vai trò của các làn điệu dân ca vùng, miền... Khoa Thanh nhạc Trường Đại học VHNT Quân đội đã tổ chức lớp tập huấn hát Dân ca cho giảng viên và ứng dụng vào thực hành biểu diễn. TS.NSND Thanh Ngoan đã bày tỏ vui mừng khi nhận được lời mời cộng tác từ nhà trường để cùng các giảng viên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm để tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy, bảo tồn giá trị âm nhạc truyền thống, đặc biệt trong môi trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp.
Đại tá Vũ Hồ Tùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội khẳng định, việc tập huấn chuyên môn cho các giảng viên là hoạt động giao lưu nhằm bổ sung kiến thức, trao đổi những kinh nghiệm hay trong hoạt động nghệ thuật, đào tạo và biểu diễn tại nhà trường. Các ca sĩ tham gia lớp tập huấn là các giảng viên, giọng ca nổi tiếng như: Tố Hoa, Lương Nguyệt Anh, NSƯT Hồng Hạnh, NSƯT Hương Giang… “Đây là loại hình nghệ thuật bác học kinh điển của Việt Nam rất khó học, ấy vậy mà các nghệ sĩ đã làm được và biểu diễn thành công. Kết quả phản ánh sự nỗ lực của cả cô và trò. Thực sự lớp bồi dưỡng đã trở thành không gian đầy ắp văn hóa dân gian…”, Đại tá Vũ Hồ Tùng vui mừng chia sẻ.
Cũng theo đại tá, “lâu nay chúng ta quen làm việc theo kiểu lý luận và dạy các em học sinh hát tròn vành, rõ chữ nhưng lại thiếu thực tiễn. Nhưng từ lớp học này, chúng ta đã đưa thực tiễn thành lý luận vào giảng dạy, điều này sẽ mang lại nhiều giá trị, thậm chí chúng ta còn lý giải được tại sao đó là Chèo, tại sao là Xẩm, tại sao là Văn… Ở đây, các học viên không chỉ biết, hiểu mà còn biết vận dụng, có những học viên sau khóa tập huấn còn có thể phân tích, đánh giá và sáng tạo được nó”.
Truyền lửa cho các em học sinh
Thiếu tá Đỗ Thị Phương Mai, Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc cho biết, khóa tập huấn diễn ra trong 10 ngày dưới sự hướng dẫn của TS.NSND Thanh Ngoan, sự hỗ trợ của giảng viên Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi. Các giảng viên trong Khoa hết sức phấn khởi, như được đón một làn gió mới. Đặc biệt, họ đã biết cách ứng dụng các làn điệu cổ vào tác phẩm, ca khúc mới để tạo ra phong cách hát phù hợp. Đây là điều có ý nghĩa to lớn đối với công tác giáo dục, đào tạo thực hành biểu diễn của Khoa Thanh nhạc, nhất là trong bối cảnh âm nhạc đương đại đang ngày càng chiếm ưu thế.
“Ngoài việc tập huấn để tiếp thu, học hỏi, trao đổi kiến thức, đây cũng là cơ hội để giáo viên trong Khoa có điều kiện đưa nghệ thuật truyền thống vào các ca khúc mang âm hưởng dân ca, từ đó lan tỏa, gìn giữ và phát huy nghệ thuật dân tộc. Thông qua các làn điệu như Chèo cổ, Hát văn, Xẩm với cách hát nguyên bản, đặc sắc, phân biệt được cách nhả âm, nhả chữ, ngữ âm, ngữ điệu của từng thể loại, chúng tôi sẽ tiếp tục truyền lại cho các em những đam mê và giá trị tinh tuý của văn hóa dân tộc theo định hướng hòa nhập mà không hòa tan”, Thiếu tá Đỗ Thị Phương Mai nhấn mạnh.
Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa dân gian và nghệ thuật truyền thống trong nhà trường, Đại tá Vũ Hồng Tùng cho rằng, lâu nay chúng ta đã và đang nghe rất nhiều loại hình nghệ thuật nhưng riêng loại hình nghệ thuật dân gian rất cần các thầy cô giáo truyền lửa cho các em học sinh. Trong nhiều cuộc thi, BGK rất quan trọng nhưng thành phần quan trọng nhất đó chính là thời gian. Thời gian chưa làm mai một dân gian tức là dân gian còn giá trị.
Theo đại tá Vũ Hồng Tùng, lớp học không chỉ cho chúng ta hiểu biết giá trị của văn hóa dân tộc mà còn cho chúng ta giá trị gia tăng, đó là tình yêu và thái độ với nghề nghiệp. 10 ngày tập huấn không dài, vì nghệ thuật là cả một hành trình và nó vận động không ngừng, nhất là trước làn sóng du nhập văn hóa đa dạng như hiện nay. Chúng ta đang thu nhận rất nhiều luồng văn hóa xô lệch, vậy nên chúng ta phải nhận diện luồng nào là của cha ông chúng ta để lại để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Phải biết giữ gìn văn hóa dân tộc ở bất kỳ đâu, bất kỳ nơi nào. Biết rằng, việc này sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng chỉ cần trong một biển người có một người trẻ hát dân ca là chúng ta sẽ luôn nhớ và thấy được giá trị của nó.
MINH HÀ